Ngũ gia bì có 2 loại : Ngũ gia bì chân chim và ngũ gia bì nhiều gai.
Ngũ gia bì chân chim là loại tốt và rất thông dụng.
Tên khoa học Scheffera octophylla (Lour) Harms . Họ Araliaceae.
Trong dân gian, còn gọi là Sâm nam hay Nam sâm. Đây là một trong những loại cây kiểng thông dụng, đắt tiền. Ở những vùng ẩm thấp, người ta trồng cây ngũ gia bì trong vườn nhà , quanh nhà để vừa làm cây cảnh vừa có tác dụng trừ muỗi.
Theo YHHĐ , thành phần hóa học chính là Saponin, tanin, tinh dầu, vỏ thân chứa 0,9-1% tinh dầu; vỏ cành và vỏ rễ chứa Saponin triterpen khi thuỷ phân cho acid oleanic..
Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ rễ, rễ và lá.
Theo YHCT, Ngũ gia bì chân chim có vị đắng, chát, hơi thơm, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, làm ra mồ hôi, kháng viêm, tiêu sưng và làm tan máu ứ. Dịch chiết vỏ cây có tác dụng tăng lực, kích thích thần kinh rõ rệt, chống lạnh, hạ đường huyết.
Ngũ gia bì chân chim được dùng chữa đau nhức xương khớp, đau bụng, suy nhược … Trong Đông y, nó là một vị thuốc quý có tác dụng làm mạnh gân cốt, trừ phong, đau nhức xương khớp, đau bụng, trẻ em vận động cơ bắp yếu, hạn chế đi lại, chống suy nhược thần kinh, tăng trí nhớ, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt... Ngũ gia bì có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh mạn tính ở người cao tuổi, tăng sức đề kháng, bồi dưỡng sức khỏe, trị đau nhức khớp ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. Nó có tác dụng tốt với bệnh nhân suy giảm chức năng gan, rối loạn nhẹ bilirubin máu toàn phần. Ngũ gia bì còn có tác dụng hạ đường máu ở những bệnh nhân đái tháo đường tụy, điều trị sau phẫu thuật.
Rượu ngũ gia bì: chữa đau nhức khớp xương , giúp ăn ngủ ngon.
Cách làm rượu ngũ gia bì : Ngũ gia bì cạo sạch lớp dơ dính bên ngoài vỏ; Rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, xay tán thành bột. Cứ 100g bột ngũ gia bì cho 1 lít rượu gạo 45độ. Ngâm trong 10 ngày, lắc đều trước khi uống, uống 1 ly nhỏ (Khoảng 10ml) trước mỗi bữa cơm chiều.
Không được dùng cho người có triệu chứng sau:
-Người có triệu chứng âm hư hỏa vượng.
-Phụ nữ có thai.
-Người có huyết áp thấp
Vỏ thân và vỏ rễ dùng chữa:
-Sổ mũi, cảm cúm phát sốt, đau họng.
-Phong thấp đau nhức xương, té ngã tụ máu sưng đau, tê liệt hoặc gân xương co quắp.
-Phù thũng..
Rễ dùng làm thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện.
Lá dùng ngoài trị viêm da dị ứng, chàm, bỏng.
Cách dùng: Dùng vỏ thân 10-20g, vỏ rễ 6-12g dạng thuốc sắc. Rễ dùng pha hoặc sắc lấy nước uống, có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Lá đun sôi lấy nước rửa, tắm.
PGS.TS. LƯU THỊ HIỆP